Ai cũng có khả năng mắc bệnh suy thận, vì thế bạn cần nắm rõ những dấu hiệu suy thận ở cả nam giới và nữ giới để có cái nhìn tổng quát nhất và bảo vệ bản thân một cách kịp thời.

1. Vai trò của thận trong cơ thể ?

Thận là cơ quan nằm sau lưng ta, hai bên cột sống, ngay phía trên eo. Thận đảm nhận một số chức năng để duy trì sự sống. Cụ thể, thận có các chức năng chính, đó là:

  • Thận lọc máu theo cơ chế loại bỏ chất thải và nước dư thừa, cân bằng muối và chất điện giải trong máu, giúp điều chỉnh huyết áp.
  • Giữ cân bằng dịch trong cơ thể, các chất khoáng mà cơ thể cần để duy trì hoạt động bình thường, nhất là chất kali để kiểm soát hoạt động của thần kinh và cơ, quá nhiều hay quá ít kali cũng có thể gây ra yếu cơ và vấn đề cho tim.
  • Loại bỏ các sản phẩm chuyển hóa của protein (trong thực phẩm) như urê, creatinine (tạo ra trong tiến trình vận động cơ bắp).
  • Giải phóng một số hormon thiết yếu vào máu như renin (điều hòa huyết áp), erythropoietin (EPO) giúp tủy xương tạo hồng cầu và hoạt hóa vitamin D để hấp thụ canxi trong thức ăn nhằm tăng cường cho xương.
Thận
Thận lọc máu và nước dư thừa, cân bằng muối và chất điện giải trong máu… Ảnh Internet

2. Bệnh suy thận là gì?

Suy thận hay thận bị tổn thương là tình trạng suy giảm chức năng thận. Có nhiều nguyên nhân và bệnh lý dẫn đến suy thận. Theo chuyên môn y khoa, người ta thường chia thành hai nhóm bệnh là suy thận cấp (thuật ngữ chuyên môn gọi là tổn thương thận cấp) và suy thận mạn (thuật ngữ chuyên môn gọi là bệnh thận mạn).

2.1. Thế nào là suy thận cấp

Suy thận cấp tính hay còn gọi là suy thận cấp, là tình trạng thận bị suy giảm chức năng loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể, không thể cân bằng nước và điện giải. Thông thường, thận loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể bằng cách tạo ra nước tiểu. Khi thận suy yếu, chất thải ngày càng tồn đọng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình bài tiết của cơ thể. Suy thận cấp tính có thể diễn ra rất nhanh, chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày.

2.2. Thế nào là suy thận mạn

Suy thận mạn, hay còn gọi là bệnh thận mạn, là tình trạng suy giảm chức năng thận dưới mức bình thường khi thận không thể loại bỏ chất thải và nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Điều này khiến các chất thải tồn đọng, gây hại cho người bệnh. Bệnh thận không quá nguy hiểm nếu được phát hiện ngay giai đoạn đầu. Tuy nhiên, do các triệu chứng của bệnh thận ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng, nên bệnh thường chỉ được phát hiện khi đã tiến triển đến giai đoạn suy thận.

Suy thận mạn
Suy thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận dưới mức bình thường. Ảnh Internet

2.3. Ai có nguy cơ bị bệnh thận mạn tính và suy thận

Ở một số người, bệnh suy thận có thể dễ phát triển bệnh hơn, đó là:

  • Những người có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận
  • Mắc các bệnh di truyền như thận đa nang, hội chứng Alport
  • Bị nhiễm khuẩn, nghẽn tắc hay bị bệnh bẩm sinh về đường tiết niệu
  • Mắc các bệnh Lupus ban đỏ hệ thống
  • Bệnh phì đại và ung thư tuyến tiền liệt
  • Dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) dài hạn như là ibuprofen, ketoprofen và một số thuốc kháng sinh.

3. Nguyên nhân gây ra bệnh suy thận

3.1. Nguyên nhân gây ra suy thận cấp

Có nhiều cách phân loại nguyên nhân gây ra suy thận cấp, nhưng người ta thường phân ra ba nhóm nguyên nhân dựa trên sự khác nhau về cơ chế bệnh sinh:

3.1.1. Nguyên nhân trước thận

Nguyên nhân trước thận là các nguyên nhân gây giảm dòng máu hiệu dụng tới thận, làm giảm áp lực lọc cầu thận và gây ra thiểu niệu hoặc vô niệu. Bao gồm các nguyên nhân sau:

  • Sốc do giảm thể tích: Chảy máu (chấn thương, mổ lớn, phá thai, chảy máu tiêu hoá) và mất nước (nôn, ỉa chảy, bỏng diện rộng, dùng thuốc lợi tiểu)
  • Sốc do tim: nhồi máu cơ tim cấp, hội chứng ép tim (Temponade), viêm cơ tim cấp, loạn nhịp tim.
  • Sốc do nhiễm khuẩn: nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, nhiễm khuẩn tử cung, viêm tuỵ cấp.
  • Sốc do quá mẫn: sốc phản vệ.
  • Sốc do chấn thương: hội chứng vùi lấp, gãy xương lớn.
  • Sốc do tan máu cấp: gây tắc ống thận do hemoglobin, myoglobin
  • Sinh đẻ, nhiễm khuẩn do phá thai, sẩy thai, sản giật.
  • Các nguyên nhân gây giảm khối lượng tuần hoàn khác: giảm áp lực keo trong hội chứng thận hư, xơ gan mất bù, thiểu dưỡng.
suy thận
Nếu bạn đã từng nạo, phá thai cũng rất có thể gây ra suy thận. Ảnh Internet

3.1.2. Nguyên nhân tại thận

Nguyên nhân tại thận là các nguyên nhân tại thận bao gồm các tổn thương thực thể tại thận, gặp trong các bệnh thận, đó là:

  • Bệnh cầu thận và bệnh của các mạch máu nhỏ trong thận: viêm cầu thận tiến triển nhanh, viêm màng trong tim nhiễm khuẩn bán cấp gây viêm các  mạch máu trong thận, viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khuẩn, viêm mạch máu thận trong các bệnh mạch máu hệ thống, xơ cứng bì, tăng huyết áp ác tính, hội chứng tan máu tăng ure máu, nhiễm độc thai nghén, đông máu rải rác trong lòng mạch.
  • Bệnh mô kẽ thận: viêm thận kẽ do nhiễm khuẩn, viêm thận kẽ do thuốc, xâm nhập tế bào ác tính vào mô kẽ thận (u lympho, bệnh bạch cầu, ung thư mô liên kết).
  • Bệnh ống thận: hoại tử thận sau thiếu máu, nhiễm độc thận (do thuốc, chất cản quang đường tĩnh mạch, thuốc gây mê, kim loại nặng, dung môi hữu cơ, nọc độc của rắn, mật cá lớn hoặc mật động vật, nấm độc, nọc ong, thuốc thảo mộc), bệnh thận chuỗi nhẹ, tăng calci máu.

3.1.3. Nguyên nhân sau thận

Nguyên nhân này do các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu của thận như:

  • Tắc ống thận: axit uric, canxi oxalat, acyclovir, methotrexate, protein Bence Jone trong bệnh đa u tủy xương.
  • Tắc nghẽn tại thận: cục máu đông, sỏi, hoại tử nhú.
  • Tắc niệu quản: sỏi niệu quản, do chèn ép từ ngoài vào. Ví dụ: U sau phúc mạc, u tử cung, u xơ tiền liệt tuyến, u niệu đạo, bàng quang, buộc nhầm niệu quản trong mổ đẻ…
  • Tắc niệu đạo: co thắt niệu đạo, bệnh lý tuyến tiền liệt, khối u bàng quang.
Sỏi thận
Sỏi thận cũng là một trong những nguyên nhân gây ra suy thận. Ảnh Internet

3.2. Nguyên nhân gây ra suy thận mạn

Bệnh suy thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng hoạt động của thận, gây ra tổn thương thận trong khoảng thời gian dài, vài tháng hoặc thậm chí là vài năm.

Nguyên nhân gây bệnh suy thận mạn tính bao gồm:

  • Bệnh tiểu đường
  • Huyết áp cao
  • Viêm thận kẽ
  • Viêm cầu thận
  • Bệnh thận đa nang
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu, từ các tình trạng như sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt,…
  • Phản ứng trào ngược
  • Viêm bể thận
  • Rối loạn tự miễn dịch lupus ban đỏ hệ thống

4. Dấu hiệu suy thận

4.1. Dấu hiệu chung của bệnh suy thận

  • Tiểu nhiều về đêm, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hơn/ít hơn bình thường và nước tiểu có màu nhợt/màu tối, ặt..
  • Mệt mỏi: Khi thận bị hỏng, chúng tạo ra ít erythropoietin hơn, cơ thể có ít các tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy hơn, nên các cơ và đầu óc của bạn mệt đi nhanh chóng. Tình trạng này được gọi là thiếu máu do suy thận.
  • Ngứa: Thận có chức năng loại bỏ các chất cặn bã ra khỏi máu. Khi thận bị suy, sự tích tụ của các chất thải này trong máu có thể gây ngứa ở da.
  • Hơi thở có mùi amoniac: Sự tích tụ của các chất thải trong máu (được gọi là chứng urê huyết) có thể khiến thức ăn có vị khác đi và khiến hơi thở có mùi. Bạn cũng nhận thấy rằng bạn không thích ăn thịt nữa.
  • Buồn nôn và nôn: Do urê huyết gây nên tình trạng buồn nôn và nôn.
  • Thở nông: Đó là do chất lỏng dư thừa trong cơ thể tích tụ trong hai lá phổi kèm theo tình trạng thiếu máu (sự thiếu hụt các tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy) sinh ra chứng thở nông.
  • Ớn lạnh: Thiếu máu có thể khiến bạn cảm thấy lúc nào cũng lạnh, thậm chí đang ở trong phòng có nhiệt độ ẩm.
  • Hoa mắt, chóng mặt và mất tập trung: Thiếu máu khiến não không được cung cấp đủ ôxy. Điều này có thể ảnh đến trí nhớ, gây mất tập trung, hoa mắt và chóng mặt.
  • Đau lưng/cạnh sườn: Một số bệnh nhân bệnh thận có thể bị đau ở lưng hay sườn.
dấu hiệu suy thận
Một số bệnh nhân bệnh thận có thể bị đau ở lưng hay sườn. Ảnh Internet

4.2. Dấu hiệu suy thận ở nam giới

4.2.1. Cảm giác rùng mình, tay chân lạnh

Khi bạn ngồi trong phòng mà có cảm giác ớn lạnh, rùng mình, hắt xì, sợ ra gió tay chân thường lạnh ngắt. Khi triệu chứng này xuất hiện nhiều ngày liên tiếp bạn nên cẩn trọng. Vì đây có thể là dấu hiệu của người bị suy thận. Trong trường hợp này bạn nên theo giỏi dấu hiệu khác của cơ thể, để có biện pháp và điều trị kịp thời .

4.2.2. Hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, ngủ kém

Khi bị suy thận, nam giới thường có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt  lúc này chức năng lọc máu của thận bị suy giảm dẫn đến quá trình cung cấp máu chứa oxy cung cấp lên não cũng bị hạn chế, vì vậy cảm giác hoa mắt, chóng mặt, ngủ kém là điều hiển nhiên.

 4.2.3. Đi tiểu đêm nhiều lần

Ban ngày đi bình thường, về đêm đi tiểu 2 lần trở lên, lượng nước tiểu có cảm giác ra không hết, nếu có hiện tượng tiểu 1 lần/h hoặc vượt mức 1/4 nước tiểu ban ngày lúc này khả năng bạn bị suy thận khá cao. Lúc này, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa về thận để điều trị kịp thời.

dấu hiệu suy thận
Nếu bạn có dấu hiệu đi vệ sinh 2 lần trở lên vào ban đêm và lượng nước tiểu có dấu hiệu không ra hết thì nên đi khám thận. Ảnh Internet

4.2.4. Táo bón

Người bị suy thận thường có biểu hiện táo bón kéo dài, vì thận là đóng vai trò dẫn truyền đại tiện bắt buộc, khi thận bị suy giảm, các chức năng của thận bị thay đổi thông qua đó việc tiêu hóa và đào thải thức ăn gặp khó khăn, từ đó gây ra táo bón kéo dài.

4.2.5. Đau lưng

Thận nằm sau vùng thắt lưng, khi thận bị suy lâu ngày khiến cơ thể bị suy yếu lúc này bị đau lưng là việc không tránh khỏi. Tùy  vào mức độ của bệnh mà chứng đau lưng cũng khác nhau. Đối với người bị suy thận nhẹ thường có biểu hiện lưng khòm và khó đứng thẳng, với những người suy thận nặng phần lưng hầu như là kiệt sức, không thể đi lại được.

4.3. Dấu hiệu suy thận đặc trưng ở nữ giới

4.3.1. Rất sợ lạnh

Nhiệt độ phòng hay thời tiết bên ngoài vẫn hết sức bình thường, nhưng  bạn có thể cảm thấy lạnh run người, bạn nghĩ đó chỉ là phản ứng bình thường hoặc bạn sắp bị cúm mà thôi. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, bạn nên đi khám vì có thể nó sẽ nghiêm trọng hơn cảm cúm rất nhiều, đó là một dấu hiệu khi phụ nữ bị suy thận .

4.3.2. Tăng cân nhiều

Chế độ ăn uống vẫn giữ ở mức bình thường như mọi khi, nhưng dạo gần đây bạn lại thấy quần áo mặc chật dần, bạn đang bị tăng cân… đây không phải là điều bình thường nếu cơ thể bạn càng ngày càng phát phì dù cho bạn có tập luyện hay ăn ít hơn nữa. Có thể đây là dấu hiệu thận yếu ở phụ nữ , bởi chứng béo phì và suy thận có liên quan rất mật thiết với nhau.

4.3.3. Tóc rụng nhiều

Vào mùa hanh khô, tóc thường bị khô và rụng nhiều, nhưng nếu ngay cả những mùa khác mà tóc bạn cũng trở nên khô rối và rụng như trút một cách bất thường, thì hãy chú ý và nên đi khám, vì có thể thận của bạn bị suy giảm chức năng.

dấu hiệu suy thận
Nếu bạn rụng tóc nhiều một cách bất thường hãy chú ý và đi kiểm tra sức khỏe. Ảnh Internet

4.3.4. Mắt thâm quầng, phù mọng

Mất ngủ thường là nguyên nhân dẫn đến những thâm quầng mắt. Nhưng chị em nên chú ý, nếu xuất hiện cả những mọng mắt phù lên mà đêm qua bạn vẫn ngủ bình thường thì chứng tỏ thận của bạn đã không làm đủ chức năng, không lọc bỏ các độc tố.

4.3.5. “Lạnh nhạt” với chuyện ấy

Khi xuất hiện những dấu hiệu suy thận ở nữ giới cũng khiến chị em trở nên lạnh nhạt với chuyện ấy. Đặc biệt, nhiều chị em gặp phải hội chứng tiền mãn kinh đến sớm. Nếu xuất hiện các triệu chứng như ra mồ hôi trộm, kỳ kinh chậm lại, tâm lý thay đổi thất thường… ở độ tuổi mới ngoài 30 thì nên đi khám thận, vì theo y học, những người bị suy thận sẽ bị lão hóa rất nhanh.

5. Nguy cơ sức khỏe của bệnh thận mạn tính

Khi bệnh thận có diễn biến xấu thì nhiều vấn đề sức khỏe có thể xảy ra như thiếu máu, bệnh xương, tổn thương thần kinh và tăng huyết áp.

5.1. Tác động đến máu của bạn

Suy thận cũng có thể gây thiếu máu gây mệt mỏi, kiệt sức và có thể làm bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn. Tình trạng này thường phổ biến ở những người bị suy thận cũng như những người đang trong quá trình chạy thận, mà trong đó các tế bào hồng cầu giảm đi hoặc nhỏ hơn so với bình thường. Vì thận bị tổn thương làm chậm việc tạo ra erythropoietin hormone (EPO). Đây là chất giúp tủy xương tạo tế bào máu đỏ.

5.2. Ảnh hưởng đến tim và các mạch máu

Những người bị suy thận, đặc biệt là đang lọc máu sẽ rất dễ gặp các vấn đề về tim và mạch máu. Trong đó, nhồi máu cơ tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của các bệnh nhân lọc máu. Suy thận cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch khác như: Tắc nghẽn mạch máu đến tim, suy tim sung huyết,…

5.3. Tăng huyết áp

Không chỉ là nguyên nhân chính gây ra suy thận mạn tính mà tăng huyết áp còn có thể là hậu quả của bệnh thận, gây tổn thương cho tim và mạch máu. Suy thận có tác động rất lớn đến huyết áp vì thận không duy trì được cân bằng dịch trong cơ thể. Khi dịch ứ đọng ở trong phổi có thể gây khó thở và suy tim do sung huyết.

5.4. Những biến chứng khác có thể xảy ra khi suy thận

  • Giữ nước, có thể dẫn đến phù ở tay và chân, tăng huyết áp, phù phổi cấp
  • Tăng kali máu, có thể đe dọa tính mạng
  • Bệnh tim mạch
  • Xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương
  • Thiếu máu
  • Giảm ham muốn tình dục hoặc bất lực
  • Tổn thương hệ thần kinh trung ương, có thể gây ra khó tập trung, thay đổi tính cách hoặc co giật
  • Giảm phản ứng miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn.
bệnh tim
Biến chứng của suy thận có thể ảnh hưởng đến tim mạch. Ảnh Internet

6. Điều trị bệnh suy thận

6.1. Các biện pháp chẩn đoán bệnh suy thận

  • Kiểm tra huyết áp
  • Xét nghiệm kiểm tra chức năng thận:
  • Xét nghiệm máu kiểm tra độ lọc cầu thận (GFR)
  • Xét nghiệm nước tiểu kiểm tra nồng độ albumin trong nước tiểu. (Albumin là một loại protein có thể hiện diện trong nước tiểu khi thận bị tổn thương)
  • Siêu âm bụng để đánh giá cấu trúc và kích thước thận.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác: tùy trường hợp, theo chỉ định của bác sĩ.
  • Sinh thiết thận để tìm nguyên nhân gây ra bệnh thận.

6.2. Bệnh suy thận có chữa được không?

Suy thận cấp diễn ra trong vòng vài ngày và có thể phục hồi hoàn toàn hoặc một phần chức năng thận sau khi được điều trị thích hợp trong một vài tuần. Ngược lại, suy thận mạn là quá trình không thể phục hồi chức năng thận. Các biện pháp điều trị trong suy thận mạn chỉ nhằm làm chậm diễn tiến của bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Khi chức năng thận giảm đến 90%, người bệnh bị suy thận nặng và cần được điều trị thay thế thận bằng chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận.

Hầu hết các loại bệnh thận sẽ làm tổn thương tới các nephron (một đơn vị cấu trúc của thận). Sự tổn thương này có thể khiến thận không thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Nếu không chữa trị, thận cuối cùng có thể ngừng hoạt động hoàn toàn. Mất chức năng thận rất nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong.

bệnh suy thận
Người bệnh suy thận nặng và cần được điều trị thay thế thận bằng chạy thận nhân tạo. Ảnh Internet

6.3. Các biện pháp điều trị bệnh suy thận

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, một số loại suy thận có thể được điều trị. Tuy nhiên, tổn thương thận có thể vẫn tiếp tục xấu đi ngay cả khi những nguyên nhân gây ra suy thận đã được kiểm soát. Thông thường suy thận mạn sẽ không có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị chủ yếu là giúp kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng, giảm các biến chứng và làm bệnh tiến triển chậm lại.

Điều trị suy thận giai đoạn cuối (khi chức năng thận giảm xuống còn dưới 50%) thường là: Thẩm phân phúc mạc, chạy thận nhân tạo, ghép thận, người bệnh cần uống thuốc suốt đời để giúp cơ thể thích nghi với thận đã được ghép.

6.4. Chú ý trong điều trị

Khi chức năng thận đã giảm, cần có biện pháp để giúp cơ thể loại bỏ chất muối, nước thừa và các sản phẩm giáng hóa có trong máu bằng cách điều chỉnh lượng muối, protein, phosphor, calo và các chất khác trong bữa ăn hằng ngày. Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu và kéo dài thời gian làm việc của thận.

Về thuốc, nên dùng thuốc kiểm soát được huyết áp, duy trì cân bằng về vitamin và chất khoáng, điều trị thiếu máu, thuốc giúp cho xương khỏe bằng vitamin D3, canxi… theo chỉ định của thầy thuốc.

Vận động thường xuyên cũng rất cần thiết cho người có bệnh thận mạn tính vì giúp tăng sức khỏe, nghị lực sống, giảm huyết áp, cải thiện giấc ngủ, kiểm soát cân nặng, giảm nồng độ mỡ máu.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu và kéo dài thời gian làm việc của thận. Ảnh Internet

7. Phòng ngừa bệnh suy thận

Để giảm thiểu nguy cơ suy thận, những người có các nguy cơ cao như trên không thể chủ quan mà cần tìm nguyên nhân để điều trị triệt để. Ngoài ra, bạn cần tuân thủ những nguyên tắc chung để phòng bệnh là:

  • Thay đổi lối sống: Giữ huyết áp đúng mục tiêu bác sĩ đặt ra.
  • Kiểm soát nồng độ đường và cholesterol trong máu.
  • Tập thể dục hằng ngày, duy trì cân nặng lý tưởng.
  • Uống đủ nước trong một ngày từ 1,5 – 2 lít, uống nhiều hơn trong những ngày nóng hoặc vận động ra nhiều mồ hôi.
  • Thực hiện chế độ ăn hợp lý và cân bằng để tránh bị tăng trọng lượng và bị thừa cholesterol
  • Hạn chế tối đa dùng muối, đây là yếu tố thúc đẩy tăng huyết áp
  • Không hút thuốc lá vì hút thuốc làm bệnh tiến triển nhanh hơn
  • Không dùng thuốc khi chưa có hướng dẫn của thầy thuốc.
  • Không được lạm dụng thuốc nhuận tràng và thuốc lợi tiểu.
  • Khi bị suy thận người bệnh cần ăn nhạt, kiêng mỡ, giảm bớt chất đạm
  • Dùng thuốc chống tăng huyết áp, chống thiếu máu, theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
  • Tuân thủ chế độ ăn dành cho người suy thận: đủ năng lượng và dinh dưỡng nhưng giảm đạm, muối
Uống đủ nước trong một ngày
Uống đủ nước trong một ngày từ 1,5 – 2 lít, uống nhiều hơn trong những ngày nóng hoặc vận động ra nhiều mồ hôi. Ảnh Internet

Dấu hiệu suy thận bạn nên biết về nó để phòng và trị bệnh. Topnews.com.vn rất mong các bạn có một sức khỏe thật tốt để cuộc sống mãi là niềm vui là hạnh phúc.

Lê Linh tổng hợp