Bạn cần biết cách chăm sóc mai sau Tết để cây có thể phát triển tốt và ra hoa vào cuối năm sau. Như vậy, bạn sẽ tiết kiệm được tiền mua chậu cây mới mà vẫn có một chậu mai ưng ý.  Dưới đây là một số kinh nghiệm chăm sóc mai sau Tết dành cho bạn.

1. Một số điều cần biết về chăm sóc cây mai sau Tết

Cách chăm sóc mai sau tết sao cho cây sinh trưởng phát triển tốt và ra hoa đúng mùa không phải là điều dễ dàng. Điều quyết định áp dụng phương pháp chăm sóc mai đúng cách phụ thuộc vào từng loại mai khác nhau. Nếu chăm sóc không tốt sẽ khiến cây không phát triển và chết dần. Hiện nay mai tết đang có ba loại phổ biến nhất là: Mai chậu chưng trong nhà, mai chưng ngoài sân và cây mai trồng đất.

Cách chăm sóc mai sau tết
Cách chăm sóc mai sau tết đúng cách bạn cần biết. Ảnh Internet

1.1. Cách chăm sóc với chậu mai chưng trong nhà

Mai chưng trong mấy ngày Tết thường từ 27, 28 đến mồng 6 Tết. Chính vì ở trong nhà nên cây không được tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời dẫn đến không quang hợp được nhiều. Khi đó lá cây sẽ mỏng, màu xanh nhạt, cành vươn dài nhưng mảnh và yếu. Nhiều gia chủ không chịu khó chăm sóc mai mà chỉ đổ một ít nước hoặc thậm chí là “tưới” cả nước ngọt hoặc bia vào gốc mai.

Bên cạnh đó, đa số cây mai hiện nay đều bị phun thuốc kích thích ra hoa, giữ hoa. Điều này khiến cho sự phát triển của cây không ổn định. Kèm theo việc thiếu thốn chất dinh dưỡng trong thời gian dài nên những cây mai trồng chậu sau Tết sẽ trở nên kiệt sức. Nếu bạn không chăm sóc tốt thì có thể sang năm, cây mai sẽ không ra hoa nữa.

Vì thế sau Tết, bạn nên đem mai ra ngoài càng sớm càng tốt. Nhưng phải để cây ở trong bóng râm chứ không tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Điều này có thể khiến lá mai bị cháy. Thêm vào đó, bạn cần lặt bỏ hết hoa và nụ trên cây để cây không phải dồn chất dinh dưỡng nuôi hoa, nuôi nụ.

mai chưng trong nhà
Cây Mai trồng chậu chưng trong nhà. Ảnh Internet

1.2. Cách chăm sóc với chậu mai chưng ngoài sân hoặc cây mai trồng đất

Những chậu mai được chưng ngoài sân do được sống trong môi trường khá giống với tự nhiên nên bạn sẽ không phải mất nhiều công sức để chăm sóc như chậu mai chưng trong nhà. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải ngắt bỏ toàn bộ hoa và nụ để mai có thể tập trung chất dinh dưỡng nuôi cây.

Vì mai được chưng ở ngoài nên đã quen nắng gió, do vậy, bạn không cần phải đem chậu cây vào bóng mát.

Cây Mai chưng ngoài sân.
Chăm sóc mai chưng ngoài sân sẽ không khó khăn như chăm sóc mai chưng trong nhà. Ảnh Inteernet

2. Cách chăm sóc cây mai sau Tết

2.1. Tỉa cành cho cây

Tỉa cành là một trong những bước đầu tiên và quan trọng nhất trong tất cả các công đoạn của cách chăm sóc mai sau tết. Thông thường bạn cần tiến hành tỉa cành mai sau khi đem ra ngoài càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, cũng cần phải dựa vào hình dáng và kích thước của từng cây để có cách tỉa cành phù hợp nhất. Cách tỉa phổ biến nhất chính là tỉa theo dáng cây thông với nhỏ phần trên và lớn dần khi xuống dưới. Chính vì vậy phù hợp nhất là bạn cắt bỏ 1/3 cành mai bình thường.

Tỉa cành
Cành mai nên được tỉa trước ngày 15 âm lịch và chậm nhất là ngày 20. Ảnh Internet

Sau khi tỉa cây xong thì khoảng 2 ngày sau. Bạn có thể đưa ra nắng được cho cây thích nghi dần và kích thích sự ra chồi và lá mới của cây nhanh chóng. Bên cạnh đó, để tránh sâu bọ xâm nhập vào cây, bạn cần lưu ý pha chung hai loại thuốc có hoạt chất Hexaconazole (Anvil) và Fipronil (Regent) để phun lần đầu sau khi tỉa cành. Khoảng 10 ngày sau khi tỉa là khoảng thời gian thích hợp nhất để phun. Tiếp tục phun lần hai sau khi cây có biểu hiện nhú mầm.

Công đoạn tỉa cành cho Mai là hết sức quan trọng. Việc này giúp mai sinh trưởng và phát triển suốt quá trình về sau. Chính vì vậy bạn cần hết sức lưu ý và thực hiện đúng theo các bước lưu ý được hướng dẫn trên đây nhé.

chăm sóc mai sau tết
Việc tỉa tán rất quan trọng vì sẽ giúp tạo lại tán lá cho cây. Ảnh Internet

2.2. Chăm sóc và vệ sinh cây mai thường xuyên

Bước tiếp theo trong hệ thống các bước cách chăm sóc mai sau tết chính là: Chăm sóc và vệ sinh cây thường xuyên đúng cách. Sau khi bạn tiến hành tỉa xong cành mai thì có thể tiến hành ngay các bước vệ sinh cây

Đầu tiên hãy tiến hành phun nước cho cây với vòi phun mạnh. Điều này để giúp tẩy và bong tróc hết các loại nấm mốc hoặc mầm bệnh. Ngoài việc phun nước bạn cũng có thể tiến hành phun thuốc dạng loãng với dùng phân u-rê pha thật đặc pha nước để phun vào cây.

Lưu ý tập trung phun vào những vùng bị nấm mốc nhiều nhất và không để chảy ngấm xuống gốc. Tốt nhất hãy dùng bao ni lon che phần túy gốc lại. Sau khi phun khoảng 15 phút thì có thể dùng bàn chải hoặc các vật tương tự chà mạnh những vùng da cây bị nấm để đánh bật nấm mốc.

vệ sinh
Phun nước cho cây với vòi phun mạnh để giúp tẩy và bong tróc hết các loại nấm mốc hoặc mầm bệnh. Ảnh Internet

2.3. Thay chậu mới cho cây

Khi trồng mai được khoảng 2 – 3 năm, bạn nên chuyển cây sang chậu mới vì lớp đất trồng cây đã trở nên chai cứng. Khi lựa nên lựa chậu mới tương đối đẹp và hơi lớn hơn chậu cũ một tí.

Trong thời gian chưng Tết không tưới nước, bây giờ đất trong chậu đã khô nên thể tích đất bị rút bớt lại và có thể lòi vành chậu ra. Lúc này, bạn có thể moi bỏ bớt đất sát vành chậu, rồi nhẹ nhàng ôm gốc mai lên, lấy tay gỡ bỏ bớt đất ra nhưng coi chừng đứt rễ và chuyển qua chậu mới.

thay đất cho mai
Khi lôi cây Mai ra khỏi chậu cũ nhẹ nhàng lấy tay gỡ bỏ bớt đất ra nhưng coi chừng đứt rễ. Ảnh Internet

Bên chậu mới, bạn nên đục lỗ thoát nước cho lớn, bỏ lên một lớp gạch đá nhỏ, rồi bỏ đất to vô trước, đất nhỏ vô sau, từ từ đặt cây .ai vô, sửa cho ngay ngắn, mới bỏ thêm đất đã trộn thêm phân hữu cơ vào. Bỏ đất lên đến 8/10 chậu là vừa, nếu thêm đất đầy chậu quá, khi tưới nước sẽ tràn ra ngoài.

Lưu ý: Lúc mới trồng đừng nên bón nhiều phân vì phân rất nóng, dễ làm thối rễ non, phải đợi đến khi nào cây mai ra rễ mạnh mới nên bón thêm phân.

Một cách khác khi sang chậu thứ 2 là có thể đổ nước tối đa vô chậu mai. Ngâm cho mềm đất rồi lấy nẹp tre moi bỏ bớt lớp đất chung quanh vành chậu ra, từ từ mang cây Mai lên, gỡ bỏ bớt đất rồi trồng trở lại y như cách trước.

2.4. Bón phân cho cây mai

Sau Tết, cây mai mất sức cần phải bón phân ngay, để kịp bồi dưỡng cho cây. Vấn đề là nên bón phân như thế nào? Nên chọn loại phân gì? Để tiện lợi và hiệu quả cao ?

Có 3 cách bón phân bổ biến là: bón lót, bón thúc và phun trực tiếp lên lá

2.4.1. Bón lót

Bón lót là bón làm nền bằng những loại phân hữu cơ, như phân chuồng để sử dụng lâu ngày. Vì phân hữu cơ tan ra từ từ, lâu bền hơn và khi phân hủy biến thành chất mùn, làm cho đất thêm tơi xốp, chứ không có làm chai đất như phân hóa học. Phân hữu cơ cũng có rất nhiều loại như :

  • Phân bò khô, bón cũng tốt nhưng có nhược điểm là sinh ra nhiều cỏ.
  • Phân rơm rất tốt nhưng khi bón thì mau phân hủy và giữ rất nhiều nước.
  • Phân bánh dầu miếng: loại phân này vừa rẽ tiền vừa tiện lợi, vừa bền lâu. Sau Tết chỉ cần bẻ bánh dầu ra từng miếng nhỏ cỡ bằng 2 ngón tay. Dùng nẹp tre hay dao cùn moi đất chung quanh vành chậu ra, nhét sâu xuống sát vành chậu, xa gốc cây mỗi gốc cỡ từ 100-200g tùy theo chậu lớn hay nhỏ và bỏ thêm một ít thuốc trừ sâu rầy như Vibasu 10H hoặc một ít thuốc trừ kiến là được. Khi tưới nước, bánh dầu miếng sẽ tan ra từ từ.
  • Phân Dynamic Lifter là phân hữu cơ đậm đặc, giá hơi đắt nhưng bón rất tốt, là loại phân chuồng qua chế biến có trộn thêm phân trung lượng và vi lượng như lưu huỳnh, magie, sắt, mangan, kẽm, đồng, bo, molyp… Đặc biệt là được diệt hết mầm cỏ, nên khi bón không mọc cỏ, rất tiện. Chỉ cần xới đất rồi chôn vào hoặc trộn với đất trước rồi bỏ vô gốc cây cũng được.
bón lót
Bón lót cho cây mai bằng phân hữu cơ vì làm cho đất thêm tơi xốp chứ không làm chai đất như phân hóa học. Ảnh Internet

2.4.2. Bón thúc

Bón thúc là bón phân cho cây thêm phân một lần nữa. Mặc dù đã có bón lót bằng phân hữu cơ rồi nhưng cũng cần phải bón thúc thêm phân hóa học thì hiêu quả sẽ tăng gấp đôi. Phân hóa học cũng có rất nhiều loại :

  • Loại phân NPK 30-10-10 là loại có tỷ lệ đạm (N) cao, dùng để bón cho cây tăng trưởng nhanh. Sau Tết nên bón phân hữu cơ lẫn phân hóa học loại này cho cây mai mau lại sức, phát triển đâm chồi nhảy tược mạnh hơn.
  • Loại phân NPK 15-30-15, loại 6-30-30 là những loại phân có tỷ lệ Lân (P) và Kali (K) cao. Dùng bón để kích thích cho cây mai ra nhiều nụ hoa và nụ hoa to.
  • Loại phân 10-50-10 là loại phân có tỷ lệ. Lân (P) thật cao, bón để kích thích cho ra hoa nhiều và mạnh. Khi gần đến Tết cở tháng 9-10 âm lịch, chúng ta cần phải bón thúc thêm các loại phân hóa học NPK loại có tỷ lệ Lân và Kali cao để cho cây mai ra nhiều hoa, hoa to, màu sắc đẹp và lâu tàn.
bón thúc
Bón thúc cho mai bằng các loại phân hóa học để nâng cao hiệu quả. Ảnh Internet

2.4.3. Phun trực tiếp lên lá

Cây không những hấp thu các loại phân qua rễ khi bón phân vào đất mà còn có thể hấp thu qua lá. Phân bón lại còn có hiệu lực nhanh hơn do diện tích lá rất lớn, lớn hơn nhiều lần so với diện tích rễ. Phân bón qua lá là các loại phân hòa tan trong nước và tưới phun lên lá như :

  • Loại phân Komix, Mymix …pha đúng theo liều lượng hướng dẫn, rồi phun sương lên lá làm tế bào lớn đều, làm cây sinh trưởng nhanh.
  • Loại phân bón lá Atonik xâm nhập nhanh chóng vào mô cây trồng. Giúp cho cây phát triển nhanh, làm tăng năng suất cây trồng.
phun phân bón lá
Phun phân bón lá cho mai vàng có hiệu lực nhanh hơn. Ảnh Internet

Tùy theo điều kiện, chúng ta có thể bón lót phân hữu cơ tối đa cho cây mai sau Tết và gần đến Tết năm sau. Bón thúc thêm phân hóa học để giúp sang năm mới cây sẽ ra hoa nhiều hơn. Nếu không bón phân đúng cách thì qua năm sau cây Mai sẽ ra ít hoa.

Trường hợp cây mai đã trồng dưới đất thì chỉ cần cuốc đất cỡ 5-7 lỗ nhỏ chung quanh, cách xa gốc cây cỡ chừng 5 tấc, bỏ phân vào rồi lấp đất kỹ lại. Đừng để cho mèo chuột bươi phá hoặc rắc lên một ít thuốc trừ kiến, trừ sâu rầy là được.

2.5. Cách tưới nước

Cây Mai không cần phải tưới nước mỗi ngày. Nhưng phải theo dõi thường xuyên khi nào thấy đất trong chậu khô là tưới. Khi tưới phải tưới cho thật nhiều nước, nếu để quên không tưới nước lâu dài, cây mai thiếu nước làm héo lá vàng lá và rụng. Khi rụng lá thì cây mai sẽ ra hoa bất thường trong năm, đến Tết sẽ ra ít hoa.

cách chăm sóc mai sau tết
Cách tưới nước cho cây Mai cũng cần phải đúng kỹ thuật. Ảnh Internet

2.6. Một số chú ý khi chăm sóc mai sau Tết

Trước khi đưa mai vào chậu trở lại, bạn cần kiểm tra lại các lổ thoát nước. Dưới đáy chậu cần lót miếng mảnh vỡ của chậu cho nước dễ dàng được thoát ra ngoài. Tiếp theo đó là lớp cát to, một lớp phân hữu cơ, phủ lên trên một lớp chất trồng rồi mới đặt lại cây vào. Không để rễ tiếp xúc trực tiếp với phân ít nhất vài tháng, bổ sung cho đủ chất trồng, ém chặt cho cây cứng gốc. Cần chú ý là lớp phân hữu cơ và phân tro sẽ phân huỷ một thời gian cây sẽ bị lún xuống. Vì thế nên đặt cây có gốc cao hơn mặt chậu để khi ổn định ta có vị trí cây như ý.

lưu ý
Tuyệt đối không bón phân khi vừa thay đất vì bộ rễ không thể hấp thụ được phân. Ảnh Internet

Tuyệt đối không bón phân khi vừa thay đất vì bộ rễ không thể hấp thụ được phân. Thậm chí phân có thể làm hỏng bộ rễ. Với số phân bón lót hoặc phun phân bón lá vô cơ một ít cũng đủ cho mai phát triển trong đầu mùa mưa. Tổng hợp chất đạm tự nhiên trong không khí và đất làm cây phát triển mạnh hơn.

Trên đây là những cách chăm sóc mai sau tết mà Topnews.com.vn muốn chia sẻ. Các việc trên các giúp chuẩn bị thật tốt cho cây mai để cây tích luỹ chất dinh dưỡng tiếp tục một mùa hoa mới, tạo nụ hoa để cho những hoa thật đẹp vào Tết năm sau. Và đừng quên theo dõi những mẹo hay ngày Tết hay những tin mới mỗi ngày của Topnews.com.vn nhé.

Gia Vĩ tổng hợp