1. Cách vắt lấy nước cốt dừa mịn màng, không cặn

Trước khi tìm hiểu cách làm nước cốt dừa kết hợp với các món ăn chúng ta hãy tham khảo cách vắt lấy nước cốt dừa trước. Theo đó nước cốt dừa tự vắt sẽ đậm đặc và ngon hơn khi mua đóng hộp hay mua ngoài chợ. Ngoài ra chúng còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn.

1.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 2 quả dừa khô
  • 600ml nước lọc
Dừa khô nguyên liệu
Chuẩn bị dừa khô và nước lọc để thực hiện cách lấy nước cốt. Ảnh: Internet

1.2. Các nước thực hiện

Sơ chế nguyên liệu

Khi mua dừa khô về bạn hãy dùng đũa đục lỗ trên đầu quả dừa để rót nước ra hết ly. Sau đó bổ đôi quả dừa dùng mũi dao nhọn tác chúng ra làm hai. Bắc nồi đun nóng 600ml nước lọc cùng phần nước dừa tươi vừa đổ ra.

Bổ dừa làm đôi
Dừa lấy nước ra ngoài sau đó bổ đôi để lấy phần cơm bên trong. Ảnh: Internet

Vắt nước cốt dừa

Cách 1: Nạo dừa
  • Bạn lấy bàn nạo dừa chuyên nghiệp nạo xung quanh phần miếng dừa để lấy phần thịt dừa ra.
  • Khi nạo xong phần cơm dừa bạn hãy cho nước đun lúc nãy vào một lượng vừa phải. Mang bao tay bóp nhồi nhiều lần cho nước cốt ra hết. Sau đó bỏ chúng vào rây hoặc miếng vải trắng sạch lọc lấy phần nước, bỏ phần xát dừa. Nếu muốn lấy nước cốt dừa càng đậm đặc thì bạn nên pha ít nước lọc thôi nhé!
Nạo dừa vắt lấy nước cốt
Nạo dừa là cách người miền Tây hay làm để lấy nước cốt dừa. Ảnh: Internet
Cách 2: Xay sinh tố

Hoặc nếu không có dụng cụ nạo thì bạn có thể gọt cơm dừa thành những miếng nhỏ, hỗ trợ cho việc bỏ vào máy xay.

Theo đó bạn có thể bỏ cơm dừa vào máy xay sinh tố cùng với nước đã đun. Bật máy xay mịn hỗn hợp. Dùng dụng cụ lọc hoặc dùng rây rây hỗn hợp dừa vừa xay để lấy nước cốt dừa. Dùng miếng vải mỏng trắng sạch để lọc lấy nước cốt sẽ mịn hơn.

Vắt lấy nước cốt dừa
Bạn có thể cắt nhỏ cơm dừa bỏ vào xay sinh tố cùng với nước lọc đã nấu. Ảnh: Internet

Nước cốt dừa thành phẩm sánh mịn, béo ngậy. Bạn có thể cất chúng vào tủ lạnh để làm các món ăn béo ngậy hơn hoặc làm nước cốt ăn chè, bánh…

Thành phẩm dừa
Thành phẩm chính là nguyên liệu nước cốt dừa đậm đặc, vệ sinh. Ảnh: Internet

2. Cách làm nước cốt dừa kết hợp với món ăn

Nước cốt dừa chính là một trong những thành phần quan trong tạo nên hương vị đặc trưng riêng biệt của món ăn. Chúng giúp các món ăn trở nên hấp dẫn, béo ngậy thơm ngon hơn. Chính vì thế thắng nước cốt dừa làm sao để mang lại khẩu vị đậm đà hãy cùng nhau cập nhật ngay.

2.1. Cách thắng nước cốt dừa nấu chè sánh đặc

Chuẩn bị nguyên liệu: 300ml nước cốt dừa, đường, muối, bột năng, lá dứa.

Cách thực hiện

Cách vắt lấy nước cốt dừa đã được hướng dẫn phía trên. Chính vì thế sau khi có được nước cốt dừa đậm đặc thì bạn hãy đổ chúng vào nồi. Bỏ vào 1/2 thìa cà phê muối, 2 thìa canh đường, lá dứa vò dập khuấy đều trên lửa vừa. Khi nước cốt dừa sôi lên bạn hãy hòa tan 2 thìa canh bột năng vào một ít nước lọc. Sau đó đổ từ từ hỗn hợp vào nước cốt dừa. Khuấy nước cốt dừa cho tan đều sau đó nêm lại đường muối lần nữa cho vừa khẩu bị. Khi thấy nước cốt dừa đặc sệt lại, béo ngậy hơn thì có thể tắt bếp.

Nước cốt sánh đặc ngon
Sau khi hòa bột năng đợi đến khi nước cốt dừa sánh đặc lại thì tắt bếp. Ảnh: Internet

Cách thắng nước cốt dừa này rất thích hợp cho các món chè đậu đen, chè đậu đỏ, chè hạt sen, bánh đúc, bánh lọt, bánh bò… Nước cốt đậm đà, béo ngậy làm tăng thêm vị giác, sự thèm ăn và ngon miệng hơn.

Chè đậu trắng
Nước cốt dừa đặc sệt thích hợp để ăn chè đậu trắng, đậu đỏ… Ảnh: Internet

2.2. Cách làm nước cốt dừa bột báng

Chuẩn bị nguyên liệu: 1 chén bột khoai, một chén bột báng, 500ml nước cốt dừa, 100gram đường phèn, 300ml nước.

Cách thực hiện

  • Đầu tiên bạn hãy mang bột khoai ngâm trong nước nóng trước khoảng 2 giờ. Mang bột báng ngâm trong nước lạnh khoảng 2 giờ. Sau đó rửa sạch vớt bột báng và bột khoai lên để ráo nước.
  • Tiếp theo bạn nấu sôi một ít nước cho bột báng và bột khoai vào nấu, khuấy đều lên khoảng 4 phút. Khi thấy bột báng và bột khoai trong thì bạn cho nước cốt dừa vào khuấy đều đậy nắp nấu khoảng 15 phút. Thỉnh thoảng bạn dở nắp ra khuấy lên để bột báng và bột khoai không bị khét dưới đáy nồi.
  • Sau đó bạn cho một ít muối và đường phèn vào nấu, khuấy cho tan đều. Nêm nếm vừa ăn với khẩu vị gia đình. Nếu có người bị các bệnh kiêng đường thì bạn nên cho ít đường sau đó tắt bếp.
Bột báng nước cốt
Nuốc cốt dừa bột báng, bột khoai khá dễ thực hiện. Ảnh: Internet

Với cách làm nước cốt dừa bột báng này bạn có thể chan lên chuối nướng, khoai lang nước dừa, chuối hấp, chè chuối hay các món ăn vặt khác. Hương vị thơm ngon khiến bạn ăn không thể dừng lại, ăn một lần là nghiện đấy nhé!

Chè ngon béo
Bạn có thể ăn nước cốt dừa bột báng cùng bí hấp, chuối nướng… Ảnh: Internet

2.3. Cách làm nước cốt dừa loãng thơm béo

Đối với các món ăn mát lạnh như sương sáo, bánh lọt… thì bạn nên áp dụng cách làm nước cốt dừa loãng sẽ thơm ngon hơn. Chúng giúp phần nước của món ăn thêm hấp dẫn. Vào mùa nóng vừa ăn vừa húp nước sẽ mang lại cảm giác giải nhiệt sảng khoái.

Chuẩn bị nguyên liệu: 500ml nước cốt dừa, đường, muối, sữa đặc.

Cách thực hiện: Bạn hãy bắc nồi lên bếp đổ nước cốt dừa vào nấu sôi. Tiếp theo bạn cho vào 1 thìa canh đường, 2 thìa canh sữa đặc, 1/2 thìa cà phê muối khuấy cho tan đều. Khi nước cốt dừa sôi lên bạn nêm lại độ ngọt cho vừa khẩu vị. Sau đó để thêm 5 phút rồi tắt bếp. Tất cả các cách nấu nước cốt dừa ở trên bạn có thể bỏ thêm lá dứa cho dậy mùi thơm.

Nấu nước cốt dừa loãng
Nước cốt dừa thêm sữa đặc sẽ béo và tăng thêm độ ngon. Ảnh: Internet

Việc nấu nước cốt dừa trên bếp sẽ giúp bạn không bị đau bụng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Phần nước cốt dừa không có bột năng sẽ loãng và dễ hòa quyện vào sương sáo hay bánh lọt kết hợp đá lạnh. Món ăn hứa hẹn sẽ mang đến mùa hè tươi mát, thanh lọc cơ thể.

Sương sáo giải nhiệt
Nước cốt dừa dạng lỏng rất thích hợp ăn sương sáo. Ảnh: Internet

Các cách làm nước cốt dừa béo ngậy, hấp dẫn trên đây hi vọng sẽ giúp bạn có được những món ăn thú vị. Các bước thực hiện vô cùng đơn giản ai cũng có thể thực hiện nhanh chóng. Hãy xắn tay thử ngay để các món ăn của bạn được hoàn thiện và chỉn chu nhất có thể nhé!

Ngọc Hân